Nghệ nhân Việt kể chuyện phố đàn TP.HCM trên báo Mỹ

Tôn Thất Ánh là một trong những nghệ nhân hành nghề lâu nhất trên phố đàn Nguyễn Thiện Thuật ở TP.HCM, chứng kiến sự thay da đổi thịt qua từng năm của con phố nhỏ.
Tuy nhiên, một số thay đổi không phù hợp với ý muốn của ông Ánh.
"Các tiêu chuẩn đã biến mất. Có quá nhiều người làm ra vô số cây guitar mà chất lượng không phải lúc nào cũng đảm bảo", ông khẽ than phiền.
Nhạc cụ tại cửa hàng Duy Ngọc Guitars của ông Ánh thường mất một tháng để hoàn thành. Sản phẩm cao cấp được chạm khắc nhiều chi tiết và hình vẽ phức tạp hơn, thời gian làm có thể lên tới 4 tháng. Giá guitar dao động từ 200 - 1.000 USD (khoảng 4,5 triệu - 23 triệu đồng). Đây vẫn là mức giá tốt bởi sản phẩm tương đương ở phương Tây có thể tốn đến 10.000 USD (hơn 227 triệu đồng).
Nghe nhan Viet ke chuyen pho dan TP.HCM tren bao My hinh anh 1
Tôn Thất Ánh, đồng sở hữu cửa hàng Duy Ngọc Guitars, là một trong những nghệ nhân hành nghề lâu nhất trên phố đàn Nguyễn Thiện Thuật. Ảnh: Duncan Forgan.
Ông Ánh là đồng sở hữu cửa hàng Duy Ngọc Guitars cùng những người anh em. Họ sử dụng gỗ từ những khu rừng lớn ở châu Âu và Bắc Mỹ để làm guitar.
"Gỗ Việt Nam và các xứ nhiệt đới khác không chắc chắn lắm. Chúng dễ bị nứt", ông Ánh trả lời CNN.
Không khó để hiểu vì sao ông Ánh và những người thợ lành nghề khác trên phố Nguyễn Thiện Thuật rất thận trọng để tránh những sản phẩm kém chất lượng. Giống như các nghệ nhân khác, người thợ làm guitar tại đây sống chết vì danh tiếng của mình. Họ chăm chút cho thương hiệu cá nhân kể từ khi con phố trở thành trung tâm bán đàn guitar từ năm 1975.
Nhiều thập kỷ qua, những chiếc guitar mang lại cho họ sự ghi nhận và tôn trọng từ giới chơi nhạc Việt Nam. Trong bối cảnh đất nước mở cửa hội nhập, dòng chảy buôn bán từ nước ngoài giúp những người thợ thủ công, như đội ngũ tại cửa hàng Duy Ngọc, còn có thêm những cơ hội kinh doanh mới.
Những bức ảnh chụp ông Ánh cùng các "rocker" người nước ngoài dán trên tường là bằng chứng rõ ràng cho sự chuyển đổi của tập khách hàng.
"Họ đến từ khắp nơi: Australia, Mỹ, Anh. Gần đây tôi thậm chí có một đơn hàng từ Chile. Ở phương Tây, một cây guitar thủ công có thể tốn tới hàng nghìn USD. Ở đây chúng tôi bán giá rẻ hơn nhiều, mà chất lượng vẫn rất tốt", ông cho biết.
Nghe nhan Viet ke chuyen pho dan TP.HCM tren bao My hinh anh 2
Nhạc cụ tại cửa hàng Duy Ngọc Guitars của ông Ánh thường mất một tháng để hoàn thành. Sản phẩm cao cấp có thể mất tới 4 tháng. Ảnh: Guitar Duy Ngọc.
Một số người có thể mới biết rằng Việt Nam dần nổi tiếng khắp thế giới về chất lượng đàn guitar acoustic. Tuy nhiên, các loại nhạc cụ dây đã trở nên quen thuộc trong âm nhạc Việt Nam hàng thế kỷ nay, xuất hiện trong những dòng nhạc dân gian truyền thống.
Âm nhạc Việt Nam đương đại đang khởi sắc. Một loạt địa điểm tổ chức biểu diễn mở cửa cho các nghệ sĩ mới tài năng.
Đây đáng lẽ là tin tốt lành cho những người buôn bán trên phố đàn, nhưng rõ ràng mọi thứ không hài hòa như âm thanh phát ra từ nhạc cụ. Có tới hơn 30 cửa hàng guitar tập trung trên 500 m phố Nguyễn Thiện Thuật, bán đủ mặt hàng, từ những chiếc guitar acoustic thiết kế riêng đã làm nên tên tuổi con phố, đến những chiếc guitar điện hình dáng mới lạ, đàn mandolin và các nhạc cụ dây truyền thống của Việt Nam.
Tuy nhiên giống như nhiều nơi khác, số lượng thường không đi kèm với chất lượng. Đó là một trong những nỗi lo ngại lớn nhất với những người đã dành hơn 40 năm xây dựng và củng cố danh tiếng cho con phố.
Nghe nhan Viet ke chuyen pho dan TP.HCM tren bao My hinh anh 3
Giờ đây có tới hơn 30 cửa hàng nhạc cụ tập trung trên con phố nhỏ Nguyễn Thiện Thuật. Ảnh: Duncan Forgan.
Theo ông Ánh, một số nhạc cụ bán trong các cửa hàng mới mọc lên được làm từ gỗ chất lượng thấp, sản xuất vội vàng, chỉ để có sản phẩm lên kệ nhanh chóng. Bên cạnh đó, chi phí thuê mặt bằng ngày càng tăng cũng là một mối lo ngại.
"Việc kinh doanh nhìn chung khá ổn. Nhưng giá thuê cửa hàng ngày càng đắt đỏ. Một số người phải cắt giảm chi phí để không bị lỗ. Chúng tôi từng cùng nhau làm việc, sau đó cùng chơi nhạc mỗi buổi tối. Giờ đây điều đó đang ít dần, và đó là một nỗi hổ thẹn", ông Ánh chia sẻ.
Theo Zing

Nhận xét